Những linh hồn dưới hồ sâu Đắk Lốp


Lễ đưa các liệt sĩ tìm thấy dưới hồ Đắk Lốp về quê nhà.

Theo “chỉ dẫn” của liệt sĩ Đãi, Bích Hằng đã xác định được một vị trí bên dòng suối, trong lùm cây rậm, có gò mối lớn. Tại đây, tìm được 22 bộ hài cốt liệt sĩ. Tại một vị trí khác, bên dãy cây bạch đàn, tìm thêm được 12 bộ hài cốt nữa.

Sau gần 30 năm một mình đi tìm mộ anh trai mà không thấy, anh Phạm Văn Mẫn đã làm đơn gửi bộ môn Cận tâm lý. Xét thấy việc đi tìm mộ của anh Mẫn có thể mở ra một cuộc tìm kiếm liệt sĩ quy mô lớn, Bộ môn đã thành lập đoàn tìm mộ gồm 3 nhà ngoại cảm là Phan Thị Bích Hằng, Thẩm Thúy Hoàn, Nguyễn Khắc Bảy, do Đại tá Hàn Thụy Vũ phụ trách. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh làm trưởng đoàn và có rất nhiều nhân chứng cùng tham gia.

Trước khi lên đường vào Tây Nguyên, Thiếu tướng Chu Phác, Đại tá Hàn Thụy Vũ và anh Mẫn đã đến nhà Bích Hằng để “mời” vong linh liệt sĩ Ngô Trọng Đãi và Phạm Văn Thành về xin ý kiến. Trong bảng lảng hương khói thành kính, Bích Hằng chắp tay trước ngực, mắt đăm chiêu nhìn vào di ảnh đã ố vàng của hai liệt sĩ.

Anh Mẫn cũng chắp tay vái lạy và nói trong nước mắt: “Thưa bác Ngô Trọng Đãi và anh Thành! Nhiều năm qua cháu không lúc nào nguôi nhớ về anh Thành và các bác. Cháu đã đi tìm nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được mặc dù đã có rất nhiều nhân chứng chỉ chỗ chôn cất.

Cháu cắn răng, cắn cỏ vái lạy bác linh thiêng giúp đỡ tìm được mộ anh cháu và các bác. Dù vất vả, gian khổ thế nào cháu cũng sẽ quyết tâm hoàn thành. Nếu không tìm được sớm thì rồi cha mẹ già cháu không biết có chờ được nữa không, các cụ đều đã 85 – 90 tuổi rồi…”.

Sau nửa phút im lặng chờ đợi tưởng như nghẹt thở, khuôn mặt Bích Hằng đột nhiên hớn hở: “Cháu chào bác Đãi!”. Sau đó Hằng liên tục “dạ, vâng”. Qua Bích Hằng, Thiếu tướng Chu Phác và anh Mẫn thay nhau “hỏi” chuyện liệt sĩ Đãi. Cuộc “chuyện trò” đã diễn ra suốt 2 tiếng đồng hồ với rất nhiều nước mắt lăn tràn trên đôi má xạm đen của anh Mẫn, người đã dành cả cuộc đời trai trẻ đi tìm anh.

Trong những thông tin mà liệt sĩ Ngô Trọng Đãi “cung cấp” có một số thông tin đáng chú ý mà mọi người ghi chép lại rất cẩn thận: “Tọa độ các đồng chí xác định là đúng, nơi trạm Trung phẫu an táng 8 người, nhưng địa điểm cụ thể thì chưa đúng, phải lùi về phía suối nữa, nơi có nhiều cây le gần sát nước.

Trước đây mai táng cách suối khoảng 25m, nhưng đấy là lúc suối cạn, bây giờ suối ngập nhiều. Lần nào cậu vào K’Nak tìm kiếm anh em liệt sĩ cũng biết. Sự hiện diện của cậu bao nhiêu năm nay ở núi rừng K’Bang là nguồn động viên rất lớn đối với anh em liệt sĩ vì anh em tin rằng nhờ cậu mà có thể có cơ hội được về quê. Nhưng cậu chỉ tìm anh cậu còn bỏ mặc những người khác thì làm sao tìm được”.

Khi những hạt mưa xuân lắc rắc trên đường phố Hà Nội thì đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bắt đầu lên đường. Trong số nhân chứng đi cùng hôm đó có cựu chiến binh Nguyễn Văn Cán, hiện đã 75 tuổi. Khi vào đến K’Nak, ông như đang sống lại với trận đánh đầy bi tráng của 40 năm trước, với máu đồng đội nhuộm đỏ chiến hào.


Đào tìm hài cốt liệt sĩ ở hồ Đăk Lốp.

Trong nước mắt chứa chan, ông kể: “Lúc đó, hỏa lực địch trùm lên trận địa, pháo, rốckét cày xới từng miếng đất khiến quân ta thương vong quá nhiều. Tôi phải điện báo cáo với cấp trên nhưng chưa kịp nói thì Tiểu đoàn trưởng Ngô Trọng Đãi giật lấy bộ đàm từ tay tôi để xin ý kiến chỉ đạo. Anh nói chưa dứt câu thì một quả đạn cối của địch nổ ngay trước mặt.

Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh bụng anh Đãi bị phá một mảng lớn, máu chảy xối xả, ruột lòi cả ra ngoài. Tôi phải xếp ruột anh lại, xé áo buộc chặt bụng anh. Vết thương quá nặng, anh nhìn tôi, nắm chặt tay tôi, môi mấp máy như muốn dặn dò điều gì, nhưng không thốt ra được lời nào. Sau đó dân quân hỏa tuyến chuyển anh ra trạm Trung phẫu cấp cứu, nhưng đi đến nửa đường thì anh tắt thở…”.

Ngay khi lội rừng vào đến K’Nak, đoàn tìm kiếm hài cốt tiến hành công việc ngay. Tuy nhiên, mọi người đào bới loanh quanh suốt cả ngày mà không thấy dấu hiệu gì. Điều kỳ lạ là các nhà ngoại cảm cũng mất hết thông tin, có chăng thì rất mờ nhạt.

Bích Hằng và Thẩm Thúy Hoàn cũng chỉ một số địa điểm theo cảm tính, nhưng đào lên chỉ thấy đất đá mà thôi. Cả ba nhà ngoại cảm làm lễ bên suối gọi “vong” lên hỏi thông tin, nhưng gọi mãi không được. Trời tối, công việc tìm kiếm phải tạm dừng.

Cũng trong đêm ấy, tại nhà nghỉ, Thẩm Thúy Hoàn mới gặp được “vong” liệt sĩ Ngô Trọng Đãi. Liệt sĩ Đãi “dặn” rằng: “Triển khai đào xuống phía dưới, không đào ở trên cao. Nhưng phải tiến hành tìm các liệt sĩ khác rồi mới tìm được tôi và anh Thành. Nếu không sẽ không có ai tìm những anh em còn lại nữa”. Cùng thời gian đó, liệt sĩ Đãi “gặp” Bích Hằng “dặn” thêm: “Cháu yên tâm, không đi nhầm đâu. Sát mép bờ suối còn nhiều anh em lắm, cố tìm hết nhé”.

Ngày hôm sau, các nhà ngoại cảm chia làm hai nhóm nhằm mở rộng phạm vi tìm kiếm hàng trăm liệt sĩ còn nằm quanh vị trí K’Nak. Thẩm Thúy Hoàn, Nguyễn Khắc Bảy theo dõi việc khai quật ở khu vực trạm Trung phẫu. Nhóm Phan Thị Bích Hằng cùng một số nhân chứng khảo sát ở khu vực quanh K’Nak.

Theo “chỉ dẫn” của liệt sĩ Đãi, Bích Hằng đã xác định được một vị trí bên dòng suối, trong lùm cây rậm, có gò mối lớn. Tại đây, tìm được 22 bộ hài cốt liệt sĩ. Tại một vị trí khác, bên dãy cây bạch đàn, tìm thêm được 12 bộ hài cốt nữa.

Cũng trong ngày hôm đó, Thẩm Thúy Hoàn tìm được hài cốt 5 liệt sĩ. Đặc biệt, chị đã xác định được một địa điểm giữa ruộng ngô nhà dân, bên bờ suối, phía ngoài là rừng cây báng súng. Khi đào địa điểm này lên, tìm được 37 hài cốt liệt sĩ.

Ngày hôm sau, Thúy Hoàn và Bích Hằng lại tìm được thêm 6 liệt sĩ bên lề đường dẫn vào một lâm trường… Tổng cộng, trong vài ngày ngắn ngủi của đợt đầu tiên đoàn tìm mộ ở K’Bang đã tìm được gần 100 hài cốt liệt sĩ trong các hố chôn tập thể. Điều khó tin nhất là các nhà ngoại cảm xắp xếp xương cốt của từng người rất chính xác, mặc dù các liệt sĩ được chôn tập thể, xương cốt lẫn lộn.

Cũng trong ngày cuối của đợt tìm mộ đầu tiên, liệt sĩ Đãi đã “hướng dẫn” Bích Hằng xác định tọa độ nơi 8 liệt sĩ nằm. Anh Mẫn kiếm chiếc ghe chở Bích Hằng ra giữa hồ và chị đã cắm 8 chiếc cọc xuống đáy hồ nước mênh mông.

Tuy nhiên, khi đó nước hồ quá lớn, không thể lặn xuống hồ đào được, mà xả nước hồ thì ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở thị trấn K’Nak, do vậy, đoàn phải rút về Hà Nội.

Vài tháng sau, nhân dịp vào Đà Nẵng công tác, anh Mẫn đã ghé qua K’Bang. Phát hiện ra suối Đắk Lốp cạn trơ đáy, hồ nước cũng khá cạn nên anh đã báo cho bộ môn Cận tâm lý. Khi đó, nhà ngoại cảm Bích Hằng đi nước ngoài, nên Thẩm Thúy Hoàn lên đường vào ngay K’Nak.

Nói là hồ cạn, nhưng từ mặt nước đến đáy vẫn sâu 5 – 6 m. Anh Mẫn và một người bạn là cảnh sát đặc nhiệm cùng buộc dây thừng, ôm đá lặn xuống đáy hồ móc gỗ, đá, lá cây chèn kín miệng đập. Cứ lặn ngụp như vậy suốt 2 ngày, moi lên vài tấn rác mới mở được cửa xả nước.

Khi lòng hồ trơ đáy thì mọi người tiến hành đào bới quanh chỗ Bích Hằng cắm cọc mấy tháng trước. Tuy nhiên, đào bới suốt 4 ngày trời, hố đào đã rộng đến gần trăm mét vuông mà vẫn không thấy bộ hài cốt nào. Đúng lúc mọi người tỏ ra chán nản thì mây đen ùn ùn kéo đến.

Nếu mưa lớn thì hồ nước lại ngập mênh mông, không biết khi nào mới có cơ hội tiếp tục khai quật. Anh Mẫn nước mắt ròng ròng quỳ xuống trách các vong linh liệt sĩ: “Cháu vào đây làm những việc chưa ai từng làm để tìm anh cháu và các chú, các bác. Vậy mà các bác không thương cháu. Lần này lại phải về không rồi”.

Anh vừa dứt câu khấn thì một chiến sĩ reo lên: “Thấy rồi anh Mẫn ơi!”. Không ngờ, cậu chiến sĩ trẻ chỉ đào loanh quanh chỗ mọi người đã đào mà lại phát hiện ra một mẩu xương trắng lốp, rồi sau đó, 8 bộ hài cốt lần lượt hiện ra dù chẳng còn được là bao, sau 40 năm nằm dưới lòng đất và lòng hồ.

Sau lần tìm được 8 liệt sĩ dưới đáy hồ, đoàn tìm mộ cùng các nhà ngoại cảm còn có 4 lần nữa vào K’Bang và tổng số liệt sĩ đã tìm được là 300.

Bình luận về bài viết này